CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

ĐỒNG THÁP: CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH LÀ KHÂU ĐỘT PHÁ CỦA CẢ NHIỆM KỲ

🌟“Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đổi mới mạnh mẽ trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước” là chuyên đề kỳ họp thường kỳ Uỷ ban nhân dân tỉnh tháng 02, diễn ra vào chiều ngày 05/3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, từng ngành, địa phương phải xem đây là mũi đột phá, không chỉ riêng năm 2021 mà là của cả nhiệm kỳ.

 

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và trong nhà

✍Cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4.230 doanh nghiệp đang hoạt động. Ước đến hết tháng 2, toàn tỉnh có 76 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 595 tỷ đồng. Nhắc lại chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, người đứng đầu Uỷ ban nhân dân tỉnh mong muốn các cấp, các ngành phải rà soát, tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Quyết định số 1301/QĐ-UBND-HC của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trình tự, thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng v.v. trên địa bàn tỉnh hiện nay được rút ngắn khoảng 40%; thời gian thành lập doanh nghiệp đã rút ngắn khoảng 50% (thực hiện khoảng 1,5 ngày/doanh nghiệp so với 03 ngày theo luật định).

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh: Kế hoạch cải thiện Chỉ số PCI năm 2021; khảo sát Chỉ số DDCI năm 2021; xem xét, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1301/QĐ-UBND-HC cho phù hợp với các quy định mới của Luật Đầu tư năm 2020 và pháp luật có liên quan sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư năm 2020 - ông Trương Hoà Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Thời gian qua, Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh được nhiều địa phương trong cả nước đánh giá cao và đến trao đổi kinh nghiệm. Ông Nguyễn Văn Phú - Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Đề án, ở cấp tỉnh và cấp huyện đã tiếp nhận trên 188.000 hồ sơ, trong đó số hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chiếm 6,27%, số hồ sơ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích chiếm 12,89%. Tổng số hồ sơ đã giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,8%.

Ưu điểm của Đề án này là tổ chức, công dân được phục vụ tốt hơn, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức thực hiện thủ tục hành chính thông qua việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích và được hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Về phía Sở Thông tin và Truyền thông - cơ quan trực tiếp tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin cũng nêu lên nhiều định hướng quan trọng trong năm 2021, trong đó có việc thí điểm triển khai một số dịch vụ để đưa vào Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh như: Giám sát giao thông, giám sát an ninh trật tự, giám sát môi trường, giám sát an toàn thông tin, giám sát sâu rầy; tăng cường quảng bá ứng dụng di động e-Dongthap, phấn đấu đưa ứng dụng này trở thành kênh giao tiếp hiệu quả nhất giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp v.v..

Theo Cổng thông tin Đồng Tháp.
Các tin khác
02773 586 115